“Cần Giờ giống như cô gái 16 tuổi rất đẹp, có tiềm năng trở thành hoa khôi nên rất nhiều người dòm ngó…” chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh ông Phan Văn Mãi ví von khi nói về thu hút đầu tư vào huyện Cần Giờ.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng nhận định trước khi trở thành thành phố, huyện Cần Giờ sẽ thu hút rất nhiều nhà đầu tư nhưng địa phương cần cân nhắc, phải giữ cho được khu dự trữ sinh quyển.
“Cần Giờ có tiềm năng phát triển rất lớn, đây như cô gái 16 tuổi, có tiềm năng sẽ trở thành hoa khôi của cuộc thi hoa hậu, nên sẽ rất nhiều người dòm ngó. Ta phải rất bình tĩnh, kiên trì. Phát triển gì thì cũng phải giữ cho được khu dự trữ sinh quyển của Cần Giờ”, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ông Phan Văn Mãi nói tại hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra chiều nay 14/1.

Mở đầu bài phát biểu, ông Phan Văn Mãi bày tỏ sự xúc động và so sánh Cần Giờ với huyện Thạnh Phú, Bến Tre quê ông. Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố đang xây dựng đề án đưa Cần Giờ thành thành phố trực thuộc thành phố đến năm 2030.
Để thực hiện hóa mục tiêu này, ông đặt ra nhiều nhiệm vụ cho địa phương như đẩy mạnh cải cách hành chính, đặt hàng huyện Cần Giờ về đích sớm nhất trong xây dựng chính quyền số; phát triển du lịch…
Cần Giờ sẽ thành thành phố năm 2030
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, định hướng phát triển của Cần Giờ là trở thành thành phố trong tương lai. Do đó, thời gian tới sẽ có rất nhiều nhà đầu tư tìm đến. Tuy nhiên, huyện Cần Giờ cần có định hướng phát triển rõ ràng, quy hoạch tốt.
“Không thể để từng nhà đầu tư đến gợi ý ta vùng này làm thế này. Nếu xem riêng từng đồ án quy hoạch thì cái nào cũng hay, cũng đẹp nhưng phải đặt trong tổng thể”, ông Mãi nhắc nhở.
Lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần sự tư vấn của các nhà chuyên môn để Cần Giờ phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh huyện cân nhắc trong thu hút đầu tư và phải giữ cho được khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Người đứng đầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị huyện Cần Giờ sớm tổng hợp, đề xuất các công trình cần đầu tư để thành phố xem xét điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn trung hạn hoặc sử dụng nguồn ngoài ngân sách để triển khai. Sau Tết Nguyên đán, ông Mãi sẽ có buổi làm việc với huyện Cần Giờ để xem xét việc này.
Theo UBND huyện Cần Giờ, địa phương đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030. Nghị quyết này đã được Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thông qua và sẽ sớm ban hành.
Theo đó, huyện Cần Giờ đề xuất thành phố cho chủ trương nghiên cứu, tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, đường Rừng Sác, điểm giao thông kết nối đường Rừng Sác với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành; đường liên xã Bình Khánh – An Thới Đông – Lý Nhơn – Long Hòa…
Huyện Cần Giờ cũng đề xuất nghiên cứu xây dựng đường Rừng Sác, tuyến phà kết nối xã Long Hòa và thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) và tuyến phà Lý Nhơn – xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang).
Cần Giờ cũng muốn nghiên cứu đầu tư xây dựng bến, cảng biển ở huyện Cần Giờ nhằm hình thành hạ tầng cung cấp các loại hình dịch vụ logisitcs.
Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng, năm 2021, địa phương chỉ đạt 7/16 chỉ tiêu kinh tế – xã hội đề ra. Một số chỉ tiêu chưa đạt như tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất còn -12% (chỉ tiêu 14%); tổng thu ngân sách Nhà nước chỉ đạt 67,9% dự toán năm; tổng mức đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.488 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch.
Đưa cù lao Phú Lợi ra khỏi ranh rừng phòng hộ
Sau khi được công nhận là xã đảo từ tháng 7/2021, đến nay Thạnh An vẫn là một trong 6 xã khó khăn nhất huyện Cần Giờ. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã đảo Thạnh An, cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, cù lao Phú Lợi tại trung tâm xã này còn nằm trong ranh rừng phòng hộ; giao thông chủ yếu là phương tiện đường thủy, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt còn nhiều khó khăn. Do đó, xã Thạnh An kiến nghị Trung ương đưa toàn bộ diện tích cù lao Phú Lợi ra khỏi ranh rừng phòng hộ và đưa xã đảo Thạnh An lên hệ thống bản đồ quốc gia.

Ông Hiếu cũng nhấn mạnh dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đến năm 2025, tầm nhìn 2030 là vấn đề cấp bách và đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh sớm phê duyệt. Ngoài ra, xã cũng đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh xem xét chế độ, chính sách đặc thù cho người dân, cán bộ tại đây.
Xã đảo Thạnh An với diện tích khoảng 13.100 ha vị trí cửa ngõ tiến ra biển Đông của Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp giáp với cảng Cái Mép cảng biển có quy mô lớn nhất cả nước. Đảo Thạnh An ở Cần Giờ nằm giữa 2 sông Thị Vải và sông Lòng Tàu.
Người dân ở xã đảo Thạnh An chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản và làm muối. Trước đó, ngày 1/4/2021, Thủ tướng đã ký quyết định công nhận xã Thạnh An là xã đảo. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Trả lời