Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình UBND Thành phố dự thảo Quy chế Quản lý kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, đáng chú ý có kiến trúc 10 khu vực đô thị dọc theo tuyến Metro số 1 với mật độ dân cư đông, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Nội dung nêu trong Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Quy hoạch Kiến trúc trình UBND thành phố và đang lấy ý kiến rộng rãi việc phát triển 10 khu đô thị chạy dọc tuyến Metro số 1.
Theo đó, khu vực đô thị dọc đường cao tốc đô thị cấp 1 có chức năng giao thông đối ngoại, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các đô thị phía Đông Bắc trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trục giao thông công cộng Metro số 1.
Theo thiết kế, có 9 khu đô thị nằm xung quanh các nhà ga Metro số 1, thuộc Thành phố Thủ Đức, gồm: Khu A – Thảo Điền thuộc phường Thảo Điền rộng hơn 37 ha, chiều dài theo Xa lộ Hà Nội là 0.97km, có nhà ga Metro Thảo Điền, dân số 12.700 người, tầng cao tối đa 35.
Tổ chức quảng trường ga tại khu vực gần ga Metro Thảo Điền, khuyến khích phát triển các công trình đa chức năng cao tầng trong bán kính 200m xung quanh ga. Tổ chức công trình kiến trúc điểm nhấn chính của khu vực tại khu vực đất quân sự chuyển đổi giáp đường Quốc Hương, kết hợp với quảng trường ga.
Khu B – An Phú thuộc phường An Phú rộng hơn 71 ha, dân số 22.200 người, tầng cao tối đa 40, chiều dài theo Xa lộ Hà Nội là 1,6km, hiện có nhà ga Metro An Phú, nút giao Cát Lái trên tuyến xa lộ với lưu lượng giao thông lớn đi về trung tâm thành phố.
Khu C – Rạch Chiếc thuộc phường An Phú diện tích 33 ha, chiều dài theo Xa lộ Hà Nội là 0,98 km, dân số 3.500 người, tầng cao tối đa 26. Có nhà ga Metro Rạch Chiếc, nút giao Cát Lái. Tổ chức giao thông công cộng và đi bộ tốt để hỗ trợ cho nhà ga Metro Rạch Chiếc, kết nối với dự án khu Thể dục thể thao Rạch Chiếc; Khuyến khích phát triển các công trình đa chức năng cao tầng trong bán kính 200 m xung quanh ga, khuyến khích phát triển các khu nhà ở cao tầng trong bán kính 200-400 m xung quanh ga.
Khu D – Phước Long thuộc phường Trường Thọ chiều dài theo Xa lộ Hà Nội khoảng 1.5km, rộng 127 ha, dân số 24.900 người, tầng cao tối đa 45. Hiện trạng là đất công nghiệp ô nhiễm, có điều kiện phát triển các tổ hợp kiến trúc đa chức năng cao tầng. Bảo tồn cảnh quan quanh khu vực bán đảo Phước Long, giữ lại và cải tạo khu vực dân cư hiện hữu phường Phước Long A.
Khu E – Bình Thái thuộc phường Trường Thọ, diện tích 82 ha, dân số 2.500 người, tầng cao tối đa 26. Hiện trạng khu vực có nhà ga Metro Bình Thái, ngã tư Bình Thái với đường Vành Đai 2. Tổ chức tầng cao xây dựng thấp dần về phía cầu Đồng Nai.
Khu F – Thủ Đức thuộc phường Bình Thọ rộng 38 ha, dân số 6.000 người, tâng cao tối đa 20. Có nhà ga Metro Thủ Đức, tuyến đường Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt kết nối qua xa lộ, cầu vượt ngã tư Thủ Đức dọc Xa lộ Hà Nội, phát triển kiến trúc cảnh quan Biệt thự làng Đại học Thủ Đức.
Khu đô thị duy nhất bên ngoài ga Metro số 1 là khu G – Nhà máy nước Thủ Đức thuộc phường Hiệp Phú diện tích hơn 32 ha, dân số 4.700 người. Khu vực này đa số giữ lại chức năng sử dụng đất hiện hữu, sẽ được quy hoạch để cải tạo bộ mặt các lô nhà phố bằng quy định về tầng cao, khoảng lùi, biển quảng cáo. Tầng cao tối đa 20.
Khu H – Công nghệ cao thuộc phường Linh Trung, diện tích 42 ha, dân số 5.600 người, tầng cao tối đa 25. Có nhà ga Metro khu Công Nghệ Cao, ngã tư Trạm Hai, đa số là đất công nghiệp, kho tàng bến bãi, khu dân cư hiện hữu, rạch Suối Cái cắt ngang Xa lộ Hà Nội; Phát huy giá trị cảnh quan tuyến kênh rạch trong việc tổ chức không gian các khu phố, tổ chức tầng cao xây dựng thấp dần về phía cầu Đồng Nai.
Khu K – Suối Tiên thuộc phường Tân Phú, diện tích 40 ha, dân số gần 900 người, chiều cao tối đa 15. Khu vực có nhà ga Metro Suối Tiên, công viên văn hóa Suối Tiên, khu dân cư hiện hữu.
Khu L – Bến xe miền Đông mới thuộc phường Long Bình, diện tích 37 ha, dân số 3.500 người, tầng cao tối đa 15. Khu vực có nhà Depot Metro kết hợp bến xe Miền Đông, khu dân cư hiện hữu. Dọc xa lộ là khu vực đất kho tàng, đất trống chưa xây dựng, có điều kiện phát triển các tổ hợp kiến trúc đa chức năng.
Các khu đô thị này được quy hoạch với mục tiêu khuyến khích phát triển các công trình đa chức năng, khu nhà ở cao tầng xung quanh ga trong bán kính 200-400 m. Khu vực quảng trường các nhà ga được quy hoạch phát triển các tuyến phố đi bộ, bãi xe, công viên… phục vụ người dân.
Riêng Khu K – Suối Tiên và khu L – Bến xe miền Đông mới sẽ giữ lại khu vực dân cư hiện hữu, phát triển cây xanh, công viên trong khu vực. Khu C – Rạch Chiếc dự kiến xây dựng cầu Rạch Chiếc nối bán đảo Thanh Đa và cầu đi bộ nối với dự án khu thể dục thể thao Rạch Chiếc. Khu F – Thủ Đức định hướng phát triển khu biệt thự Làng Đại học Thủ Đức.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, dọc tuyến Metro số 1 quỹ đất lớn nên có thể phát triển thành các trung tâm dịch vụ đa chức năng và chuyên ngành. Khu vực này còn có một số cảnh quan thiên nhiên, công trình văn hóa lịch sử quan trọng cần được bảo tồn và phát huy.
Mục tiêu việc phát triển 10 khu đô thị dọc Metro số 1 nhằm cải thiện không gian, cảnh quan theo hướng hiện đại, văn minh, phát huy các di sản văn hóa, hài hòa với cảnh quan xunh quanh.
Dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, Metro Số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài 20 km từ Bến Thành, quận 1 đến depot Long Bình ở Thành phố Thủ Đức, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Dự án Metro số 1 được phê duyệt năm 2007 nhưng sau nhiều lần điều chỉnh vốn đến năm 2012 mới khởi công. Toàn dự án đã đạt 87,5% khối lượng và sẽ tăng lên 91% vào cuối năm nay. Ảnh hưởng covid-19, tuyến dự kiến hoàn thành cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Theo VnExpress
Trả lời