Chia sẻ góc nhìn về việc Vingroup bắt tay vào dự án Đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ của PGS. TS kinh tế Trần Đình Thiên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Dự án Đô thị lấn biển Cần Giờ mà nhiều người gọi là hành trình tiến ra biển.
Dưới con mắt của chuyên gia Trần Đình Thiên, người từng nhiều năm đứng đầu Viện kinh tế Việt Nam và trực tiếp tư vấn cho Chính phủ những vấn đề hệ trọng của đất nước. Với một thái độ nghiêm túc và có trách nhiệm, ông lý giải theo cách của mình những khó khăn, hoài nghi mà các ý kiến phản biện đang đặt ra cho dự án đô thị lấn biển Cần Giờ.

Chuyên gia Trần Đình Thiên nói về tầm nhìn và khát vọng mà ông Phạm Nhật Vượng đặt vào dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ, khát vọng mà ông gọi là “định hình một tọa độ hội tụ sức mạnh Quốc gia“. Những chia sẻ cởi mở thẳng thắn, chưa đầy tinh thân lạc quan về một cơ hội và triển vọng bứt phá mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam, cho trí tuệ và khát vọng Việt Nam.
Tầm nhìn khác thường
Tôi vừa đọc xong cuốn sách được ông tặng, cuốn “Bí ẩn của Vốn: Vì sao chủ nghĩa tư bản thành công ở phương Tây và thất bại ở mọi nơi khác”. Đọc xong, tôi nhận thấy tác giả cuốn sách Hernando De Soto, một nhà kinh tế học nổi tiếng, chỉ tìm cách lý giải một điều: Tại sao lại chỉ có một số ít nước trở thành giàu có, còn đa số các nước vẫn nghèo? Tại sao đa số người nghèo mãi không thoát được số phận đau khổ của mình? Ở những đất nước này, dù vật lộn thế nào, qua nhiều thế kỷ, vẫn cứ tồn tại nghịch cảnh: Người nghèo rất khó thoát nghèo, khó thoát nghèo ngay trên chính mảnh đất đầy sự giàu có tiềm năng, trong đó, tiềm năng lớn nhất chính là đất.
Gần đây, ở Việt Nam, Nhà nước đã quyết liệt hơn, mạnh dạn giải phóng các nguồn lực, trong đó có nguồn lực đất đai, khỏi những trói buộc thể chế, để thứ tài sản “bất động” này, là “con nhộng vàng” như C. Mác gọi, hóa thân thành vốn, thành tài sản “động”. Có vẻ như nước ta đã bắt đầu tiếp cận đến một trong những cách thức quan trọng nhất để thoát nghèo.
Tôi muốn đề cập đến việc Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng Khu Du lịch lấn biển Cần Giờ trị giá hơn 9 tỷ USD do Vingroup làm chủ đầu tư. Được coi là dự án lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020. Để “đánh thức” Cần Giờ, Vingroup đã phải mất nhiều năm thuyết phục Chính phủ phê duyệt. Trước đó, một số ý kiến trái chiều được đặt ra về địa điểm được coi là “lá phổi” của Thành phố Hồ Chí Minh.
Thưa ông, trước nay, người ta hay thấy Tập đoàn Vingroup thường chọn những vị trí “đất vàng” để đầu tư, nhưng lần này, Vingroup chọn Cần Giờ có phải là một sự mạo hiểm?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Mỗi thời, khái niệm “đất vàng” lại thay đổi. Thời nông nghiệp lúa nước truyền thống, đất Thái Bình, Nam Định, Hải Dương là “đất vàng” do đồng bằng có lợi thế để trồng lúa, phát triển nông nghiệp truyền thống. Trong khi đó, những địa phương miền núi như Sơn La, Hòa Bình hầu như không có lợi thế để phát triển nền nông nghiệp này. Những địa phương đó được liệt vào loại “khó khăn”, tức là rất khó phát triển.
Nhưng hiện giờ, tình thế bắt đầu đảo ngược. Sơn La trồng nhãn, chanh leo, phát triển du lịch, Hòa Bình trồng cam đặc sản, nuôi bò Nhật Bản, khai thác lòng hồ thủy điện… Nuôi trồng các loại cây, con đặc sản, sạch, sử dụng công nghệ cao nên các tỉnh này tiến ra thị trường với lợi thế lớn. Họ “đảo thế”, “trở mình” nên “ăn to” hơn Thái Bình, Hưng Yên, ít nhất cũng từ góc độ nông nghiệp cũ và nguồn lực truyền thống. Rõ ràng là lợi thế, đặc biệt là lợi thế đất đai, đã thay đổi theo thời đại. Thái Bình, Hải Dương hay Hưng Yên, nông nghiệp bắt đầu thấy “khó đua” với Sơn La hay Gia Lai, Đắk Lắk rồi.
Nhưng điển hình nhất của việc “lật ngược tình thế” có lẽ là Ninh Thuận. Một vùng đất cằn cỗi, nghèo khó, hầu như chỉ có nắng gió, lũ lụt và bão tố. Khó khăn không thể tưởng tượng. Đến đây mới thấy người dân làm nông nghiệp khổ cực như thế nào. Nhưng ở Ninh Thuận hiện nay, thời đó đang đi nhanh vào quá khứ. Đất cằn vì hạn, vì quá nhiều nắng và gió những bất lợi thế tuyệt đối đối với nền nông nghiệp truyền thống đó giờ đây lại biến thành thế mạnh khác thường: Ninh Thuận đang trở thành “vương quốc” của điện gió và điện mặt trời, của du lịch đẳng cấp cao, đang làm giàu nhờ chính những thứ đã từng làm nghèo mảnh đất này suốt nhiều thế kỷ.
Phân tích như vậy để thấy, mỗi thời có cách tư duy về lợi thế khác nhau. Những người tiên phong, nhờ tầm nhìn vượt trước, thường nhìn thấy “vàng” ở những chỗ tưởng như “đã kiệt cùng năng lực phát triển” theo lối truyền thống.
Gần đây, nhờ chuyển sang thời đại phát triển mới thị trường, hội nhập, công nghệ cao, ở Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều người có năng lực nhìn và hành động như vậy. Ông Trần Bá Dương khởi nghiệp làm ô tô Trường Hải ở vùng đất toàn cát, gió và nắng Chu Lai. Ông Nguyễn Đăng Cường làm giàu nhờ nuôi hàng vạn con vịt trời ở vùng đất thuần nông nghèo khó Thuận Thành, Bắc Ninh. Tôi chỉ nêu 2 ví dụ vươn lên từ hai hoàn cảnh khác nhau, đại diện cho rất nhiều ví dụ tương tự đang có ở nước ta.
Đối với trường hợp ông Phạm Nhật Vượng, có lẽ Cần Giờ không phải là lựa chọn hành động đầu tiên của ông theo kiểu tạo lợi thế phát triển từ một vùng bất lợi thế. Dự án ô tô VinFast đã từng là một lựa chọn tương tự cách đây mấy năm. Từ vùng đất ngập mặn hoang hóa ở An Hải, Hải Phòng, nơi mà theo thước đo truyền thống, giá trị đất là không đáng kể, ông đã dựng nên Khu Công nghiệp ô tô VinFast rộng 800ha, chỉ sau chưa đầy một năm khởi công.
Điều đó giống như một kỳ tích công nghiệp hiện đại. Phạm Nhật Vượng đã biết nhìn thời thế, nhận diện đúng những xu thế tương lai để tạo lợi thế phát triển từ vùng đất đầy “bất lợi thế” hiện tại. Nhưng VinFast, như chúng ta biết, không phải là ví dụ duy nhất về cách tư duy và hành động khác thường của Phạm Nhật Vượng.
Trở lại với Dự án Khu Đô thị Du lịch biển Cần Giờ, chưa bàn đến chi phí, lợi nhuận hay câu chuyện đánh đổi, việc lựa chọn Cần Giờ của ông Phạm Nhật Vượng dường như đã thể hiện một tầm nhìn khác thường. Đó là việc “quyết chọn” một tọa độ nói chung là “khó chấp nhận”, dù nhìn từ góc độ nào, kinh tế hay văn hóa xã hội, để thực hiện một dự án phát triển tầm cỡ.

Cần Giờ là một vị trí “khó nhằn”, nhiều bất lợi thế về phương diện đầu tư, nhất là đối với những dự án “vượt tầm” kiểu như dự án Vingroup định làm nền đất quá yếu, mặt bằng không có, thiếu nước ngọt, thiếu kết nối giao thông.
Địa điểm thực hiện dự án lại thuộc khu vực “nhạy cảm”, đặc biệt là về môi trường gần rừng ngập mặn “ram sa” quốc tế, gần khu dự trữ sinh quyển quốc gia, là tọa độ “chắn sóng ngăn gió” cho cả Thành phố Hồ Chí Minh phía đất liền.
Không hề ngẫu nhiên khi cho đến giờ, Cần Giờ vẫn còn nhiều “nguyên sơ” đến vậy. Nói hình ảnh một chút, đó là mảnh đất mà về phương diện đầu tư phát triển, chỉ dành cho những kẻ “điên rồ”. Theo cách nhìn như vậy có thể thấy, ông Phạm Nhật Vượng làm dự án này với một tầm nhìn khác, không theo logic thông thường.
Nhưng trong thời đại này, theo tôi, nếu nhìn theo cách như thế, khi xử lý được vấn đề đánh đổi, chúng ta sẽ có một dự án phát triển tuyệt vời, có thể tạo sức bật rất lớn, không chỉ cho Vingroup hay Thành phố Hồ Chí Minh, mà cho cả quốc gia.
Hàn Quốc được biết đến với thế mạnh kinh tế biển. Trong các nỗ lực tạo lập và khai thác thế mạnh ấy, cuộc lấn biển của Chủ tịch tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung được coi là một kỳ tích. Có một so sánh về quy mô lấn biển lịch sử cho thấy, công cuộc tiến ra biển lần này của Việt Nam ở Cần Giờ chẳng thấm tháp gì. Một bên lấp hẳn một cái vịnh, với một diện tích khổng lồ 16.000ha, hy sinh toàn bộ hệ sinh thái tại đây; còn một bên chỉ là tiến ra biển từ một bãi triều, diện tích chưa đến 3.000ha… Ông nghĩ sao về sự so sánh này?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Tôi cho rằng, so sánh như thế nhiều khi không đầy đủ, thậm chí là khập khiễng. Quy mô dự án không phải là thứ đặt bên cạnh nhau để biện minh cho sự hợp lý. Dự án nếu không hợp lý thì nằm ở lý do khác. Nếu diện tích chỉ gần 3.000ha mà gây tổn hại quá nhiều cho thành phố và môi trường thì cũng không được phép làm.
Vấn đề quan trọng liên quan đến sự đánh đổi. Hàn Quốc giải quyết được sự đánh đổi đó nên không có vấn đề gì. Khi Vingroup làm dự án này, không thể đem ví dụ Hyundai ra để nói rằng họ làm 16.000ha, mình chỉ làm có 3.000ha, nhằm nhò gì đâu, sao Việt Nam hẹp hòi thế. Làm dự án 3.000ha có sự đánh đổi của 3.000ha. Con kiến nhỏ bé cũng có giá trị sinh mạng như của con voi. Tất cả mọi thứ đều có giá trị riêng của nó.

Vấn đề là ở chỗ, như tôi được biết, dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ của Vingroup hiện nay đã có tính luận chứng khá cao. Nhưng nếu có những vấn đề đặt ra, dự án lại phải tiếp tục luận chứng.
Tôi có những lập luận của tôi, từ góc nhìn tổng thể và dài hạn. Tôi thấy cách nhìn của ông Phạm Nhật Vượng khi làm dự án này rất đáng được cổ vũ và cần được ủng hộ. Nhưng Dự án cần nghiêm túc trả lời những vấn đề mà các nhà phản biện đã và đang đặt ra. Đương nhiên là với những phản biện có tính xây dựng, chứ không phải với những ý kiến phản đối “lấy được”, theo kiểu “xúc đất đổ đi”.
Nói như vậy nghĩa là ông đã nhìn ra hướng đi và tầm nhìn của ông Phạm Nhật Vượng tại dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Trước hết cần khẳng định: Cách tiếp cận của dự án Cần Giờ phải đặt trong lợi ích phát triển của một vùng, của đất nước trong bối cảnh khu vực và thế giới đang chuyển động.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là dự án rất lớn để chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá nó ở tầm quốc gia và khu vực, theo nghĩa dự án đô thị lấn biển Cần Giờ, khi hoàn thành sẽ kích hoạt phát triển cả một vùng đóng vai trò “động lực quốc gia”.
Tất nhiên, phải đo lường ảnh hưởng của Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đến đời sống người dân, đến rừng ngập mặn. Phải đánh giá nghiêm túc tác động môi trường của Dự án. Chắc chắn tác động này sẽ rất lớn và tiêu cực nếu hành động sai. Thử hình dung mức độ xói lở đất đai nếu dự án hút hàng trăm triệu mét khối cát ở sông Tiền, sông Hậu để đổ nền đô thị. Nội vấn đề này thôi đã là một “đại vấn đề” phải được giải trình công khai, minh bạch.
Theo như tôi biết, dự án đô thị lấn biển Cần Giờ có cách tiếp cận để hạn chế đến mức cao nhất các tác động tiêu cực, sẵn sàng giải trình những điểm hoài nghi, lo lắng chính đáng một cách có trách nhiệm.
Nhưng điều quan trọng là cách nhìn về dự án Cần Giờ không chỉ đo lường bằng những tương quan cụ thể, mà phải đặt trên tầm nhìn lợi ích dài hạn hơn nữa. Số phận một dự án tầm cỡ không nên chỉ được quyết định bằng những vấn đề cụ thể, riêng biệt. Nếu chỉ nhìn như thế, sẽ không thể thấy hết giá trị tổng thể dài hạn của dự án. Chỉ khi dựa trên một tầm nhìn như thế mới đánh giá được dự án Cần Giờ một cách thỏa đáng.
Ta xem xét trường hợp Đà Nẵng để làm rõ hơn cách tiếp cận này. Ba bốn chục năm trước, Quận 3 của Đà Nẵng tức quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn hiện nay nằm phía ngoài sông Hàn. Vùng đất chỉ có cát và gió. Đời này qua đời khác không có mấy người Đà Nẵng ra đó sinh sống và lập nghiệp.
Cách đây vài ba chục năm, những nhà đầu tư đầu tiên đến đây “lập nghiệp”, khi mà triển vọng phát triển của vùng này vẫn bị đánh giá rất thấp.
Những nhà đầu tư tiên phong có tầm nhìn luôn phải chịu nguy cơ rủi ro. Đó là quy luật. Họ phải tạo sức hút để lôi kéo các nhà đầu tư khác đầu tư vào Quận 3 hoang vắng. Càng có nhiều nhà đầu tư dám chịu rủi ro, càng có nhiều công trình chắn gió, chắn cát được dựng lên. Dải đất hoang sơ rẻ tiền đó trở nên đẹp đẽ hơn, an toàn hơn và dần dần trở thành “đất vàng”. Nhờ đó, cả Đà Nẵng đẹp lên, trở thành nơi “đáng sống”, thành địa chỉ thu hút nguồn lực, hội tụ sức mạnh. Giờ đây, Đà Nẵng đã trở thành Trung tâm Du lịch có sức cạnh tranh quốc tế, có vị thế quốc gia là Trung tâm Phát triển Vùng Duyên hải miền Trung.
Xã hội cần thấy được lợi ích lớn trong tương lai theo cách như vậy. Có mạo hiểm và phải chấp nhận đánh đổi đến mức nào đó. Chứ khi chặt mấy cây phi lao cũng không được, hay lo ảnh hưởng đến bờ sông Hàn mà ngăn cản việc tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng…, thì không biết đến bao giờ chúng ta mới được thấy vùng đất đáng sống tuyệt vời của Đà Nẵng phía ngoài sông Hàn như bây giờ.
Để có được đất vàng, để một vùng hoang sơ khó phát triển trở thành động lực phát triển mạnh, rõ ràng phải có những kẻ “điên rồ”, những người dám đi tiên phong, mở đường.
Tôi nhìn ông Phạm Nhật Vượng khi đầu tư vào Cần Giờ, với Dự án đang phải “đương đầu” với các ý kiến phản biện, và cả ý kiến chống đối, là người như vậy, có tầm thế như vậy.
Tôi nhìn dự án của Vingroup gắn với cả huyện Cần Giờ vùng đất rộng lớn không kém gì Singapore, với thế đất đặc biệt hấp dẫn khi kết nối biển với cả Thành phố Hồ Chí Minh phía sau, với sân bay quốc tế Long Thành và đối diện là Thành phố Vũng Tàu có cảng trung chuyển quốc tế. Tương lai của Cần Giờ theo nghĩa rộng như thế có sức hấp dẫn tuyệt vời lắm, ghê gớm lắm chứ không hề đơn giản.
Nếu như dự án vùng sinh thái này được triển khai tốt, chắc chắn sẽ tạo ra những lợi thế vượt trội. Chúng ta đang trên hành trình tạo ra sự hấp dẫn cho Cần Giờ. Singapore 50 – 60 năm trước làm sao có được những điều kiện phát triển như của Cần Giờ hiện tại.
Cách tiếp cận dự án Cần Giờ của Phạm Nhật Vượng và Vingroup tại thời điểm này, khi thế giới đang có những xoay chuyển rất mạnh, phải được nghĩ theo hướng tích cực như vậy. Nghĩa là, không phải hô hào phá môi trường thế nào cũng được, là bãi lầy nên san lấp ra sao cũng xong. Tôi tin rằng Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng không phải là những người vô trách nhiệm như vậy. Trái lại, họ đang có khát vọng cống hiến và chinh phục hơn là giá trị lợi nhuận tại dự án Cần Giờ.
Hành trình hướng ra biển
Cách đây gần 20 năm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tức bác Sáu Dân đã có thư gửi ông Nguyễn Minh Triết, khi đó là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cùng lãnh đạo Thành phố về việc tiến ra biển bằng cách đánh thức tiềm lực huyện Cần Giờ. Khát vọng của ông Phạm Nhật Vượng, phải chăng cũng là hiện thực khát vọng tiến ra biển đó đó của bác Sáu Dân?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Tôi có đọc bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong đó có đánh giá khu đô thị Cần Giờ là công trình mang tính đột phá, tầm cỡ không chỉ đối với Việt Nam mà ít nhất cũng tầm cỡ Đông Nam Á, có thể so sánh với Langkawi của Malaysia, Pattaya của Thái Lan hay Bali của Indonesia.
Lúc bấy giờ, có tầm nhìn như vậy thật sự là rất ghê gớm và đáng khâm phục. Nhưng ý tưởng và thực thi khác xa nhau. Và chúng luôn cách xa nhau về thời gian. Ý tưởng đặt ra nền tảng, dù có tầm, vẫn còn rất sơ khai. Làm thật khó hơn nhiều. Điều đó đang được chứng minh dự án đô thị biển Cần Giờ chưa làm đã phải đương đầu với những thách thức không nhỏ.
Về mặt thực tiễn nên lưu ý, Thành phố Hồ Chí Minh đã có lần tiến ra phía Đông (quận 7) để có một Phú Mỹ Hưng hiện nay một khu đô thị “đáng sống”. Nhưng có vẻ sự hiện diện của đô thị Phú Mỹ Hưng có mối liên hệ hữu cơ với tình trạng ngập lụt “toàn phần” của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Nói khác đi, đã có một sự đánh đổi khá đắt giá một kinh nghiệm mà mọi nỗ lực “tiến về phía Đông” hay “hướng biển” để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đều phải tính đến.

Đây là một luận cứ, nhiều khi được nêu ra để phản biện Dự án Cần Giờ của Vingoup. Logic là rất hợp lý. Phải đặc biệt quan tâm đến sự đánh đổi. Nếu không, hậu quả sẽ khó lường. Tất nhiên, không thể nhìn dự án Cần Giờ cũng phát triển ra hướng Đông Thành phố giống Dự án Phú Mỹ Hưng trước đây. Vị trí và vị thế địa lý với Thành phố Hồ Chí Minh của Cần Giờ khác hẳn Quận 7; vai trò chức năng của Dự án và điều kiện thực hiện cũng rất khác. Song nguyên tắc “đánh đổi” thì không được phép bỏ qua.
Còn nhiều ý kiến khác, như làm gì thì làm, phải giữ được “lá phổi rừng sác”, vùng bãi triều với nhiều loại cây con đặc sắc và quý hiếm; hoặc phải giải đúng bài toán “lượng cát khổng lồ sẽ được lấy từ đâu mà không gây xói lở và sạt lở”… Đó là những vấn đề cần lời giải từ phía doanh nghiệp và cả từ phía Nhà nước. Những ý kiến phản biện nghiêm túc đó phải được trả lời một cách thuyết phục.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến, tỏ thái độ “sổ toẹt”, cho rằng dự án là tham lam, mục tiêu là chiếm đất, phá hoại môi trường để tìm kiếm lợi nhuận, hủy hoại những thứ tốt đẹp… Đọc kỹ thì thấy đa số những ý kiến này được phát ra với sự hiểu biết không đầy đủ về dự án. Những ý kiến loại này không phải đặt vấn đề phản biện đúng nghĩa.
Cũng may là hiện nay, những ý kiến kiểu bác bỏ như thế không nhiều. Với những phản biện nghiêm túc, người làm dự án được hưởng lợi nhiều, giúp họ có thêm luận cứ, cơ sở để bồi đắp thêm tính hợp lý của dự án, tránh những hậu quả và xung đột xã hội không đáng có.

Chỉ có điều cần nhớ, là dự án thương mại, không phải cái gì cũng “toang hoang” ra. Phải rõ đến mức nào thì thông tin công khai được? Chính phủ hay nhà đầu tư nên công khai?…
Tôi tin rằng, Vingroup và với ứng xử của ông Phạm Nhật Vượng, có thể tạo niềm tin. Tôi vẫn tin và luôn thích những dự án khác thường như dự án Cần Giờ. Thời này, với những dự án đột biến, khác thường, giá trị sẽ cao.
Ông Phạm Nhật Vượng có nói với tôi rằng: “Chúng ta cần những tọa độ hội tụ sức mạnh quốc gia”. Và có thể nói, nếu hoàn thành tốt, dự án này sẽ nâng tầm vóc không phải chỉ của Vingroup. Khi đó, Cần Giờ sẽ ghi dấu tọa độ Sài Gòn thu hút thế giới đến với Việt Nam, thành điểm hội tụ sức mạnh quốc gia lớn nhất. Bởi, có Thành phố Hồ Chí Minh đầu tàu phát triển của đất nước, có hai tọa độ trung chuyển quốc tế cảng hàng không Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải. Thêm đô thị du lịch hiện đại Cần Giờ, sẽ tạo nên chân dung mới, diện mạo hướng biển mới, mà hiểu theo nghĩa rộng hơn là hướng ngoại cho cả vùng này, và cho cả đất nước này.
Như ông phân tích, ông Phạm Nhật Vượng có vẻ là người hướng ngoại?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Có lẽ cũng phải hiểu điều này cho đúng. Ông Phạm Nhật Vượng đến giờ vẫn chủ yếu là “hướng nội”. Các sản phẩm của Vingroup vẫn bán trong nước là chính. Tới đây có thể một số sản phẩm đẳng cấp, nằm trong logic phát triển của Vingroup, như VinFast, VinSmart… sẽ được bán ra thị trường thế giới.
Ở đây, nên hiểu khái niệm “hướng ngoại” theo nghĩa không chỉ mở ra với thế giới, mà quan trọng hơn, còn là kéo thế giới đến với Việt Nam. Ông Phạm Nhật Vượng hay Vingroup đang làm việc đó rất tốt. Đó là cách kéo năng lực đẳng cấp của thế giới về Việt Nam, ví dụ công nghệ của VinFast, của VinAI, hay tinh hoa giáo dục đào tạo VinUni…
Về phương pháp thu hút nguồn lực này, tôi vẫn nói vui giống như trong tiểu thuyết chưởng Kim Dung, có một thứ công phu, được gọi là “hấp tinh đại pháp” hút nội lực của đối phương vào để tăng nội lực của chính bản thân mình. Vingroup cũng hút các nguồn lực bên ngoài vào để tăng nội lực của mình, đồng thời, cũng làm tăng nội lực của quốc gia. Giống như Singapore luôn tìm cách hội tụ sức mạnh thế giới vào đảo quốc sư tử này. Đó là cốt lõi của cái gọi là tận dụng “lợi thế đi sau”.
Hiểu theo nghĩa đó, có thể thấy “hướng ngoại” không hẳn là dốc sức bán sản phẩm cho nước ngoài. Cho nên, tôi mới nhắc đến khái niệm điểm trung chuyển quốc tế, để Cần Giờ cùng với Long Thành và Cái Mép – Thị Vải, trở thành tọa độ hội tụ sức mạnh thế giới. Làm được điều đó là “ăn to”, thắng lớn.
Tôi đã từng có lần nói chuyện với Vingroup về tầm nhìn của vùng hội tụ sức mạnh đó. Và có lẽ đó là điều quan trọng nhất về lợi ích của dự án, là yếu tố quyết định tính hợp lý – khả thi của dự án Cần Giờ. Đi dọc sông Sài Gòn, phía bên kia sông Đồng Nai, xuôi xuống Vũng Tàu ta thấy cả một vùng hội tụ sức mạnh đang chuyển động.
Tôi chưa có dịp ngồi với ông Phạm Nhật Vượng để chia sẻ về những suy nghĩ này, nhưng tôi cho rằng, nếu việc triển khai dự án Cần Giờ đúng như tôi phân tích, thì đó là cách tiếp cận đường hướng phát triển với một tầm nhìn xa.
Ý tưởng của tôi là làm sao để lúc này, vùng đất Cần Giờ có thể cất cánh theo một logic khác của thời đại, giúp tạo ra một vị thế khác cho ASEAN. Và nhờ đó, Việt Nam cũng có một vị thế khác trong ASEAN.
Trả lời