Toàn cảnh siêu dự án lấn biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha sắp được khởi công sau hơn 16 năm chờ đợi. Cập nhật những thông tin mới nhất về thời điểm khởi công của dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Theo thông tin mới nhất, Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ vừa có văn bản gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đơn vị liên quan thông báo về thời điểm khởi công siêu dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Theo đó, đơn vị này dự kiến ngày 23/9/2020 sẽ chính thức khởi công dự án sau hơn 10 năm “ngủ yên”. Dự án lấn biển Cần Giờ nay đã được Thủ tướng chính thức thông qua. Việc đánh giá tác động xã hội và đánh giá tác động môi trường ở mức độ nghiên cứu tiền khả thi cũng đã hoàn thành.
Theo tìm hiểu, dự án Sunbay Saigon tọa lạc tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hơn 50 km, một trong những dự án lấn biển lớn nhất Việt Nam, do Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư.
Theo quy hoạch ban đầu, dự án có tổng diện tích 600 ha, trong đó 400 ha là đất xây dựng công trình du lịch và khu dân cư cao cấp; 200 ha là bãi biển nội bộ, với tổng mức đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD. Dự án Saigon Sunbay được xác định là một trong những dự án trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh, với kỳ vọng sẽ làm cho nền kinh tế tại Cần Giờ được “lột xác”, cũng như góp phần làm ngành kinh tế du lịch biển tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang một trang mới.
Theo đó, đến đầu năm 2007, dự án đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư, đến ngày 13/12/2007 dự án đã được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, sau lễ khởi công hoành tráng, với bao nhiêu viễn cảnh trong tương lai được vẽ ra thì dự án lại rơi vào tình trạng “ngủ mê”.
Đến năm 2012, sau gần 5 năm “án binh bất đông”, dự án bất ngờ được tái khởi động, khi chủ đầu tư cho triển khai thi công san lấp phần 1 dự án (giai đoạn 1 với diện tích 15,5ha), cùng với đó là xây dựng bức tường bê tông cao gần 2m chạy dọc bờ biển 30 tháng 4 thuộc huyện Cần Giờ.
Đầu năm 2014, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã nhắc nhở chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ dự án, nếu trong 2014 không thực hiện đúng tiến độ giai đoạn 1 đã đề ra thì Thành phố sẽ chuyển đổi nhà đầu tư vì chậm tiến độ hơn 5 năm.
Tuy nhiên, dự án lại tiếp tục kéo dài đến năm 2015. Trước tình hình đó, để gở khó cho dự án Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã có kiến nghị lên UBND Thành phố và đã được chấp thuận thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 cho toàn khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với tổng diện tích 1.080 ha bao gồm khu 600 ha cũ và 480 ha mới.
Đến giữa tháng 4/2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Đầu tháng 9/2018, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha tại xã Long Hoa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ).
Đến cuối tháng 3/2019, UBND Thành phố Hồ Chí Minh gửi công văn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, chính thức tăng từ 600 ha lên 2.870 ha.
Liên quan đến dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc Thủ tướng Chính Phủ vừa duyệt đề án mở rộng dự án là một tin vui, theo đó cần phải tổ chức công bố, dự kiến tiến độ.
“Có thể làm không nhanh được, phải mất nhiều năm, nhưng phải công bố và có dự kiến tiến độ để thấy được những bước đi của đề án. Trong đề án này, tuyến đường Rừng Sác sẽ được nâng cấp, bố trí lại để không ảnh hưởng đến môi trường”, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhận định. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo huyện Cần Giờ phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh công bố quy hoạch cho người dân được biết và đưa ra các lộ trình triển khai tiếp theo.
Trước đó, vào giữa tháng 6/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định số 826/QĐ-TTg với nội dung phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Cụ thể, Phó thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tên tự án từ “Hệ thống công trình lấn biển và Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ” thành “Đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”.
Dự án có quy mô dự án được điều chỉnh mở rộng từ 600 ha lên thành 2.870 ha, với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 32.558 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư).
Thời gian thực hiện dự án là 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Dự án do Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư, với mục tiêu xây dựng Khu đô thị lấn biển Cần Giờ trở thành Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn…
Nói về hành trình tiến biển này, GS. Đặng Hùng Võ cho biết thêm “Từ năm 2000, lãnh đạo thành phố đã nhìn thấy tiềm năng du lịch của Cần Giờ và giao cho một đơn vị thực hiện dự án xây dựng khu đô thị du lịch. Kinh tế lúc đó còn eo hẹp nên tư duy tới diện tích hơn 600ha là đã quá lớn.
Sau gần 20 năm, dự án được điều chỉnh tăng diện tích lên 2.870ha hướng tới một đô thị du lịch sinh thái tiến biển hiện đại. Bởi một khu đô thị lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế theo cấp số nhân so với độ tăng diện tích theo cấp số cộng.
Trước động thái này, cũng có băn khoăn việc tăng diện tích sẽ phá vỡ quy hoạch đã được duyệt. Nhưng quy hoạch luôn phụ thuộc vào khả năng tài chính để thực hiện. Khi có khả năng lớn hơn thì điều chỉnh quy hoạch cũng là việc bình thường và tích cực”.
Như vậy, mất một chặng đường dài, sau vài chục năm, Cần Giờ mới sắp được “đánh thức”. Những tiềm năng, thế mạnh mới được đánh giá đúng nghĩa. Nhưng để đánh thức tất cả tiềm năng, hiện thực hoá giấc mơ của Cần Giờ đòi hỏi phải có sự tham gia của đơn vị có đủ tài chính, tiềm lực và kinh nghiệm chứ không phải là một doanh nghiệp yếu kém mọi mặt.
Mặt khác, đưa Cần Giờ tiến ra biển là một hướng đi đã rõ ràng trong tương lai của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cách phát triển nhằm hạn chế được sự phá huỷ môi trường sinh thái rừng ngập mặn. Cần Giờ còn là vùng biển bồi, môi trường thích hợp cho các loại thuỷ hải sản cũng như thuận tiện cho việc nuôi thuỷ sản ven bờ. Hơn nữa, phát triển loại hình du lịch sinh thái chắc chắn sẽ hấp dẫn khách du lịch không chỉ trong nước mà còn quốc tế.
Hơn hết, đây cũng là niềm mong mỏi từng ngày của người dân Cần Giờ, để thực sự sống được bằng du lịch, được thụ hưởng những giá trị đích thực mà rừng vàng, biển bạc mang lại. Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 6 vừa qua, rất nhiều người dân Cần Giờ đã đứng lên bày tỏ vui mừng. Với tất cả, đây là cơ hội để Cần Giờ vươn lên, để cuộc sống người dân thực sự thay đổi, điều mà họ chỉ dám mơ ước suốt nhiều năm qua.
“Với tiềm năng sẵn có của địa phương cộng với dự án lấn biển hoàn thành, Cần Giờ trở thành nơi du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư tầm vóc khu vực và quốc tế, một điểm nhấn, một sản phẩm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh”, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ nhấn mạnh.
Theo Vietnam Property
Trả lời