Toàn cảnh 6 trọng điểm của thành phố Thủ Đức tương lai
Thành phố Thủ Đức trong tương lai hay còn gọi Đô thị Sáng tạo phía Đông Thành phố có 6 khu trọng điểm, bao gồm Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Trường Thọ, Tam Đa, Đại học Quốc gia và Khu Công nghệ cao.
Với vị trí giao thông thuận cho cả 3 loại hình đường thủy, đường bộ và tuyến metro số 1, khu phường Trường Thọ, quận Thủ Đức sẽ được điều chỉnh để đóng vai trò là khu đô thị thông minh sáng tạo và là trung tâm của thành phố Thủ Đức trong tương lai.
Đô thị tương lai Trường Thọ
Khu Trường Thọ, quận Thủ Đức nằm dọc Xa lộ Hà Nội và tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sắp đi vào hoạt động. Khu này gồm cụm cảng IDC Trường Thọ và nhà máy xi măng Hà Tiên, công ty Cổ phần Thép Thủ Đức và một số khu đất xung quanh.
Tuy nhiên, khu vực Trường Thọ mới giải toả được nhà máy xi măng Hà Tiên. Cụm cảng IDC Trường Thọ rộng 63 ha dự kiến di dời trước tháng 7/2019, nhưng Sở Giao thông Vận tải kiến nghị với UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép kéo dài thời gian thêm 2 năm để chờ cụm cảng trung chuyển mới hoàn thiện.
Trung tâm Tài chính Thủ Thiêm
Theo đề án thành lập thành phố Thủ Đức thì khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được xây dựng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích 657 ha, bao gồm khu trung tâm thương mại, tài chính, khu dân cư cho khoảng 150.000 người sinh sống và hơn 220.000 người làm việc thường xuyên.
Tuy nhiên, nơi đây mới chỉ phát triển mạnh các dự án chung cư thương mại như khu Sala, Empire City, The River, The Metropole Thủ Thiêm. Khu tái định cư Bình Khánh sau khi hoàn thành bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Theo quy hoạch về hạ tầng, có 5 cây cầu và 1 hầm chui nối những khu vực khác nhau của trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hiện nay, cầu Thủ Thiêm 1 và hầm chui vượt sông Sài Gòn nối giữa Quận 1 và Quận 2 đã hoàn thành. Dự kiến, cuối năm 2021, cầu Thủ Thiêm 2 có tổng số vốn gần 3.100 tỷ đồng cũng được đưa vào sử dụng.
Khu công nghệ cao
Khu Công nghệ cao ở Quận 9 nằm bên xa lộ Hà Nội, kéo dài đến đường vành đai 2 được khánh thành năm 2002 với tổng diện tích sau 3 lần mở rộng là 913 ha.
Sau hơn 18 năm thành lập, tính đến giữa năm 2019, khu Công nghệ cao (SHTP) ở Quận 9 đã đón nhận 156 dự án, 73 dự án đã hoạt động ổn định với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,1 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án lớn như Intel (Mỹ) với số vốn 1,04 tỷ USD, Nidec (Nhật Bản) với 296 triệu USD, Samsung (Hàn Quốc) 2 tỷ USD.
Trung tâm Công nghệ sinh thái Tam Đa
Nằm cạnh khu Công nghệ Cao là khu Tam Đa với 3 mặt giáp sông, nơi đây dự kiến là một trung tâm công nghệ sinh thái trong tương lai. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tham vọng xây dựng nơi này thành Phú Mỹ Hưng thứ 2, chia sẻ áp lực phát triển với khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Dân cư ở khu Tam Đa, Quận 9 hiện khá thưa thớt vì giao thông kết nối còn kém phát triển và xa khu trung tâm. Khu vực này được coi là “vùng quê” của Thành phố Hồ Chí Minh.
Khu công nghệ sinh thái Tam Đa ở Quận 9 sẽ là nơi tập trung nhất về mảng công nghệ sinh thái, mang đến nhiều cơ hội sáng tạo và thực hành. Những khu vườn mưa, khu trường đại học, các trục chính phát triển và khu vực ven biển ngập mặn tạo môi trường phù hợp cho đổi mới nông nghiệp cũng như du lịch sinh thái.
Trung tâm Thể thao Rạch Chiếc
Nằm tại nút giao giữa hai đại lộ Mai Chí Thọ và Xa lộ Hà Nội, khu Rạch Chiếc ở Quận 2 sẽ là trung tâm thể thao và sức khỏe trong tương lai của Thành phố Thủ Đức.
Dự án Khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc được quy hoạch từ hơn 26 năm trước. Năm 2017, khi Thành phố Hồ Chí Minh dự định đăng cai SEA Games 31, khu này được tái khởi động. Tuy nhiên, thành phố lại xin rút đăng cai vì tiến độ ì ạch của dự án này.
Dự án Saigon Sports City là một phân khu của Khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc, có quy mô 64 ha trong đó có 26 ha cho các công trình thể thao còn lại là nhà ở thương mại. Dự án được động thổ rầm rộ cuối năm 2019 nhưng đến nay cũng mới chỉ triển khai xây dựng được một phần khu nhà điều hành.
Trung tâm Công nghệ Giáo dục
Thành phố Thủ Đức tương lai còn có làng đại học với trung tâm là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bên cạnh các trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Đại học học Ngân hàng, ĐH Nông lâm, ĐH Việt Đức, Đại học Fulbright,… Đây sẽ là nơi cung ứng nguồn nhân lực và các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Sau 25 năm thành lập, ĐH Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh đang dần rõ hình dạng của một đô thị đại học nhưng hiện vẫn chưa đồng bộ khi nhiều khu nhà lụp xụp, buôn bán ngay trước cổng trường.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết tên gọi của thành phố mới sẽ được thống nhất sau khi đề án được Quốc hội thông qua. Trong thời gian chờ đợi, thành phố trong tương lai sẽ tạm lấy tên là thành phố Thủ Đức.
Theo Zing