UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết do quy định của pháp luật không cho phép nên cơ quan chức năng không thể cắt khóa cổng nhà dân để vô bên trong lập biên bản xử lý vi phạm xây dựng 38 căn nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo Tuổi Trẻ ngày 19-2 đã thông tin về việc UBND phường Hiệp Bình Chánh xử lý 38 căn nhà xây dựng trái phép trên đất của ông Lê Tấn Tài tại đường số 40, khu phố 8. Nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao UBND phường phát hiện vụ việc xây dựng trái phép từ tháng 4-2018 nhưng đến nay mới xử lý? Tại sao ông Tài vẫn tiếp tục xây dựng được 38 căn nhà trong khi cơ quan chức năng chốt chặn bên ngoài?
Lập chốt nhưng không ngăn được xây dựng
Trên khu đất gần 4.600m2 của ông Lê Tấn Tài hiện có 4 dãy nhà nằm so le nhau, diện tích lớn nhỏ không đồng đều. Phần lớn các căn nhà có quy mô một trệt một lầu, có ốp gạch men mặt trước, vữa trát tường còn khá mới. Các ngôi nhà đều có biên bản xử lý vi phạm hành chính dán trước cửa do lực lượng chức năng mới lập và niêm yết ngày 18-2. Thử mở đồng hồ nước một căn nhà thì số nước chỉ 50m3, một đồng hồ ở căn nhà khác đã sử dụng 264m3.
Những khu vực đất trống xen giữa các dãy nhà để đầy các chậu mai. Một số khu đất đã được xây gạch hoặc cắm cọc ximăng ngăn thành từng lô. Ngay cổng ra vào có một nhà kho không vách mái tôn, còn đống đá xây dựng và một máy trộn bêtông nằm ngay lối ra vào.
Theo hồ sơ, UBND phường Hiệp Bình Chánh phát hiện việc xây dựng trái phép của ông Tài lần đầu vào tháng 4-2018. Theo một lãnh đạo UBND phường thì cơ quan này gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý vi phạm của ông Tài trên khu đất tại đường 40, khu phố 8.
“Ông Tài xây cổng kín, tường rào cao và cương quyết không hợp tác với cơ quan chức năng. UBND phường tham khảo các cơ quan chức năng về việc cắt khóa cổng để lực lượng chức năng vô bên trong khu đất đo vẽ, kiểm đếm lập hồ sơ xử lý vi phạm.
Thế nhưng quy định hiện hành không cho phép cơ quan chức năng cưỡng chế người dân để lập hồ sơ xử lý hành chính. Ngay cả cảnh sát khu vực kiểm tra hành chính cũng không được mở cửa”, lãnh đạo phường Hiệp Bình Chánh nói.
Theo UBND phường thì từ năm 2018, UBND phường đã liên tục báo cáo với các cơ quan chức năng của quận về trường hợp vi phạm của ông Tài và cuối cùng chọn phương án xử lý theo nghị định 102 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Vị lãnh đạo này cho hay: “Cái khó của phường là không thể kiểm tra, lập biên bản các công trình xây dựng phía trong khu đất. UBND phường bố trí lực lượng canh gác, lập luôn một chốt dân phòng gần đó để ngăn chặn đưa vật liệu xây dựng và người vào thi công nhưng không hiệu quả.
Lúc có người canh thì họ nghỉ, lúc không có người canh thì họ đưa người và vật liệu vào làm. Ba mặt khác của khu đất giáp rạch, dừa nước bao kín nên cơ quan chức năng không thể tiếp cận bên trong được”.
Qua giám sát bằng công nghệ viễn thám và các hình ảnh từ Google, cán bộ phường biết ông Tài vẫn tiếp tục xây dựng bên trong khi các hình ảnh báo cáo về cho thấy diện tích của các công trình tăng lên hằng ngày. Tuy nhiên, những tài liệu này không đủ chi tiết và không có cơ sở pháp lý để xử phạt.
Mua nhà từ trước năm 2005?
Một số người dân sống trong các căn nhà cho biết họ mua đất bằng giấy tay của mẹ ông Lê Tấn Tài từ năm 2002 đến 2005, trên đất có nhà lá, nhà tôn. Sau đó, họ tự xây dựng, sửa chữa mỗi năm một ít nên có quy mô như hiện giờ.
Một số người cho biết có khiếu nại thông báo cưỡng chế buộc khôi phục hiện trạng của đất trước khi vi phạm của UBND phường Hiệp Bình Chánh nhưng bị phường này bác khiếu nại. Những người dân trưng ra bằng chứng là tờ giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất photo ghi thời điểm chuyển nhượng là năm 2003, 2005 do mẹ của ông Tài đứng bán.
Tuy nhiên, người dân không trưng ra được bằng chứng gì chứng tỏ họ đã ở đây hay đã xây dựng nhà từ những năm trên như lời trình bày, với lý do đất quy hoạch nên công an phường không cho đăng ký tạm trú.
Bà Phạm Thị Sẻ (đã thay tên nhân vật), một hộ dân sống trong một căn nhà tại khu đất, cho biết khi mua đất, bà đã biết khu này thuộc quy hoạch cây xanh, mua xong chỉ có xây dựng trái phép mới có nhà ở. Nhưng bà ở miền Trung vào Thành phố Hồ Chí Minh không có nhiều tiền nên phải mua liều cho có chỗ ở.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Tấn Tài cho biết UBND phường Hiệp Bình Chánh xử phạt ông về việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất là không đúng vì nhà đất của người khác chứ không phải của ông. Những căn nhà trên cũng của người dân mua đất tự xây dựng, ông Tài chỉ là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng của khu đất thay mẹ ông đã già yếu.
“Thật sự những căn nhà này đã xây dựng từ trước năm 2005. Trước tết người dân mới sơn lại nhà nên nhìn thấy mới. Đồng hồ nước cũng mới được gắn vì trước đây người dân câu nhờ nước của người khác để dùng”, ông Tài lý giải.
Theo ông Tài, khu nhà ông không khóa cổng, cánh cổng chỉ khép hờ phòng những người bên ngoài vào gây mất trật tự, trộm cắp. “Trước giờ chưa có ai đến đây lập biên bản về việc sử dụng đất sai mục đích. Có một vài lần, cơ quan chức năng đến kiểm tra có gọi điện thoại thì tôi không có ở nhà nên không tiếp được.
Nếu cơ quan chức năng muốn vào thì rất dễ, có thể kiểm tra hành chính. Là dân như tôi sao có thể qua mặt được?”, ông Tài phân trần. Về việc các hàng rào được gắn tôn kín rất cao, ông Tài cho biết để đề phòng những nhóm trộm mai. “Nếu nhà của người dân bị chính quyền cưỡng chế, người dân muốn lấy lại tiền mua đất thì tôi sẵn sàng trả lại kèm lãi suất ngân hàng”, ông Tài nói.
Ông Trịnh Trọng Thành, phó chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết theo quy định, cơ quan chức năng sẽ ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau 7 ngày lập biên bản. UBND phường sẽ thực hiện những thủ tục tiếp theo để xử lý dứt điểm khu vực này nhằm lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn.
Theo Tuổi Trẻ
Trả lời